Kinh doanh smartphone lao dốc sau khi Mỹ cấm vận từ giữa 2019, Huawei tìm đường lấy lại vị thế bằng tự phát triển chuỗi cung ứng chip nội địa.
Huawei Technologies vừa báo cáo lợi nhuận ròng nửa đầu năm tăng 18% lên 54,9 tỷ nhân dân tệ (7,7 tỷ USD). Doanh thu tăng 34,3% lên 417,5 tỷ nhân dân tệ (58,6 tỷ USD), mức cao nhất nửa đầu năm kể từ 2020.
Huawei nói kết quả phù hợp với dự báo của công ty. “Trong tương lai, chúng tôi sẽ tiếp tục thúc đẩy chất lượng tất cả quy trình kinh doanh, tối ưu hóa danh mục sản phẩm để tăng khả năng chống chịu và xây dựng các hệ sinh thái thịnh vượng”, Chủ tịch luân phiên Huawei Eric Xu tuyên bố.
Thông tin riêng gửi cho SCMP, công ty tiết lộ smartphone và giải pháp xe hơi thông minh “tăng trưởng nhanh chóng”, còn mảng hạ tầng công nghệ thông tin, điện toán đám mây và năng lượng số ổn định.
Nửa đầu 2024, công ty có trụ sở tại Thâm Quyến xuất xưởng 22,2 triệu chiếc smartphone, tăng 55,2% so với cùng kỳ 2023, theo công ty nghiên cứu thị trường Canalys. Điều này giúp Huawei chiếm 18,1% thị phần smartphone Trung Quốc vào quý II, cùng Vivo và Oppo đánh bật Apple khỏi top 5 thị phần nước này, theo hãng dữ liệu quốc tế IDC.
“Trong nửa đầu năm, Huawei vẫn là công ty dẫn đầu thị trường bất chấp các hạn chế thương mại của Mỹ, tiếp tục thu hẹp khoảng cách với Apple trong phân khúc điện thoại giá trên 600 USD”, Arthur Guo, nhà phân tích cấp cao tại Client System Research của IDC Trung Quốc cho biết.
Nhưng hành trình tìm lại chỗ đứng không dễ dàng. Giữa tháng trước, Chủ tịch nhóm kinh doanh tiêu dùng Huawei Richard Yu thừa nhận đã đối mặt với những ngày “vô cùng khó khăn” sau khi Mỹ đưa họ vào danh sách đen (Entity List), đẩy mảng kinh doanh điện thoại thông minh từng béo bở trở nên ngột ngạt.
Cú giáng ‘danh sách đen’
Ngày 15/5/2019, Bộ Thương mại Mỹ đưa Huawei vào “Danh sách Thực thể” (Entity List), cấm các công ty Mỹ cung cấp công nghệ và linh kiện mà không có giấy phép đặc biệt. Quyết định đưa ra với lý do lo ngại an ninh quốc gia. Mỹ cáo buộc thiết bị của Huawei có thể được sử dụng để do thám, dù họ phủ nhận.
Quyết lập tức làm gián đoạn chuỗi cung ứng của công ty. Huawei không còn được phép mua công nghệ và linh kiện từ các công ty Mỹ, bao gồm cả các chip bán dẫn tiên tiến và phần mềm như hệ điều hành Android của Google. Điều này gây khó khăn lớn cho việc sản xuất các sản phẩm điện tử, đặc biệt là điện thoại thông minh và thiết bị mạng viễn thông.
Việc mất quyền tiếp cận khiến điện thoại Huawei không còn được cài đặt sẵn các dịch vụ như Google Play Store, Gmail, và YouTube, làm giảm mạnh sức hút với người tiêu dùng quốc tế, nơi người dùng rất phụ thuộc vào các dịch vụ Google.